Tôi không biết nên bắt đầu câu chuyện này như thế nào cho hợp lí. Nhưng tốt nhất thì vẫn nên có đôi dòng về bản thân đã.
Tôi sẽ tự sát. Không biết đó có phải là một câu giới thiệu tốt không nữa.
Cụ thể thì, vào ngày sau hôm bế giảng năm học, tôi sẽ tự sát bên dòng sông Hồng đã đục nước gần nhà. Còn lý do tại sao thì có lẽ sẽ hơi dài đấy.
Năm học cấp hai, tôi đã có một khoảng thời gian khá tồi tệ, dường như là người thừa trong lớp. Tôi vô hình với mọi người, không một bạn học nào bắt chuyện với tôi trước. Và khi tôi bắt chuyện, họ cũng chỉ trả lời qua loa và nhanh chóng tụ tập lại thành một đám nói xấu tôi.
“Này, thằng Minh vừa bắt chuyện với tao. Tởm quá đi.”
Những câu nói có nội dung nhắm vào tôi, tôi đều nghe rõ. Hoặc có thể là do họ cố tình nói to để cho tôi thấy tôi quái dị đến như thế nào. Từ đó tôi ít giao tiếp lại hẳn. Số lần tôi nói chuyện trên lớp chỉ đếm trên những lần giáo viên gọi trả bài hoặc điểm danh.
Giờ ra chơi, tôi luôn ngồi một mình trên chiếc bàn học cũ nhất so với những cái khác trong lớp. Tôi không lạ với điều này, những thằng con trai đến sớm thường cố tình đổi bàn tôi với một chiếc bàn cũ trong kho. Cô bạn cùng bàn tôi cũng phải chịu chung số phận.
Nhiều lúc, tôi lại ngồi dưới sân trường. Không khí ngột ngạt trong lớp học những ngày đầu hè thường tô đậm lên vẻ cô đơn và lạc lõng của tôi hơn. Tôi thường ngồi dưới tán cây trứng gà dưới sân trường, nhìn những học sinh khác đang tham gia các hoạt động mà có nằm mơ thì tôi cũng chỉ là một thằng thất bại ở góc sân.
Nhưng nhiều lúc do cái nóng oi ả của mùa hè, tôi bắt buộc phải ở trên lớp để hưởng thụ cái lạnh của điều hoà. Nhìn những đứa con gái cùng lớp tán gẫu là tôi nhớ đến một người.
“Minh, cho cậu này.”
Đúng rồi, là cô ấy.
“Cái gì thế?”
Tôi hỏi khi mới bắt đầu liếc mắt xuống thứ mà cậu ấy đang cầm trên tay.
“Không nhìn hả, nước táo cho cậu đó.”
Rồi cô ấy dúi nó vào tay tôi.
Khanh là bạn cùng bàn của tôi, và, người bạn duy nhất của tôi. Cậu ấy thường xuyên bắt chuyện với tôi mỗi khi đến lớp, tuy nhiên vẫn có những lúc cậu ấy biến mất vào giờ ra chơi, và cậu ấy còn hay nghỉ học nữa. Nhưng giờ ra chơi hôm nay, cậu ấy đã mua cho tôi một túi nước ép táo, và đang ngồi cạnh tôi uống túi khác.
Tôi từng hỏi Khanh trước đây rằng “Sao cậu lại chơi với tớ?” Để rồi nhận được một tràng cười đến từ cậu ấy. Lúc đó tôi thật sự ngượng.
“Phải có lý do mới được chơi với cậu sao?”, Khanh đáp khi nước mắt vẫn đang ứa ra vì cười quá nhiều.
Đó là lần đầu tiên tôi xúc động. Nhưng chưa đến mức khóc oà lên. Vậy là tôi đã có người bạn đầu tiên như vậy.
Thế nhưng chúng tôi không học cùng nhau mãi mãi. Khanh tốt nghiệp Cấp hai, còn tôi thì không.
Sau khi nhận được những lời bêu riếu và chế nhạo từ lũ bạn cùng lớp, tôi đã nghỉ học. Tuy không phải là lần đầu tôi nghe những lời ấy, nhưng sự việc đã trở thành một giọt nước tràn ly khiến tôi không đi học nữa.
Tôi không giống như những người khác. Tôi khác biệt. Và đó là lí do khiến tôi bị cô lập trong cái xã hội thu nhỏ này.
Trong khi những đứa trẻ cấp hai đang suy nghĩ về việc sẽ dành ra bao nhiêu tiền tiết kiệm để mua đồ chơi hay đến quán điện tử, thì tôi lại đắm chìm trong những suy nghĩ về chính trị và xã hội. Những vấn đề mà một đứa trẻ không bao giờ quan tâm, giờ đây lại được tôi ngồi nghiên cứu và phân tích. Điều đó khiến tôi chưa bao giờ hoà nhập được với câu chuyện mà bọn bạn đang nói. Tôi hoàn toàn đắm chìm vào một mạch sóng riêng của mình.
Nhưng không chỉ có mình tôi.
Từ khi Khanh chuyển chỗ đến bàn tôi sau khi đứa bạn trước xin cô đổi chỗ với lí do “Con không thích bạn Minh” thì có lẽ mọi chuyện đã rẽ sang nhánh khác.
Khanh lắng nghe từng câu chuyện tôi kể, từng vấn đề tôi đề cập đều làm Khanh hứng thú. Cậu ấy luôn mở to mắt, tay chống cằm, ngồi nghiêng sang hẳn một bên lắng nghe tôi kể chuyện.
“Rồi sao nữa?”
Đó là câu tôi nghe Khanh hỏi nhiều nhất. Cô ấy luôn tò mò đến diễn biến tiếp theo và luôn muốn được biết cái kết của những điều tôi kể. Đến giờ, đọng lại trong tâm trí tôi chỉ còn lại những tia nắng vàng chói chiếu xuống mặt Khanh trong lúc cô bé đang nheo mắt, chăm chí nghe tôi kể chuyện.
Dần dà, việc tôi quái dị không còn là thứ duy nhất khiến tôi bị lôi ra chế nhạo. Họ bắt đầu soi mói ngoại hình, cách ăn mặc, đi lại, cách ngáp của tôi rồi biến nó thành chủ đề được tranh luận nhiều nhất trên lớp. Tất nhiên, tôi không tham gia cuộc tranh luận ấy.
Đến năm lớp chín, khối học cuối cùng của Cấp hai, tôi bỏ học.
Tất cả chỉ bắt đầu bằng ba từ “ĐỒ LẬP DỊ” được viết bằng bút dạ chiếm hết cả cái bàn tôi hay ngồi. Hôm đó, Khanh không đi học. Nhưng điều đó cũng tốt, tôi không muốn Khanh nhìn thấy tôi khóc một mình trong lớp mà không có ai thèm để ý, kể cả giáo viên. Khi cô giáo nhìn thấy tôi đang đứng kì cọ cái bàn ở góc lớp, tất cả những gì cô làm là ném vào tôi một ánh mắt thờ ơ và có phần khinh rẻ tên học trò không có lấy một sự quý mến nào trong lớp này.
Học kì hai bắt đầu cũng là thời gian quan trong đối với những học sinh chuyển cấp, ngoại trừ tôi. Tôi dành vài tuần đầu sau khi nghỉ học để ở nhà, nằm và suy nghĩ về cuộc đời.
Đây không phải một quyết định nhất thời, cũng không phải sự dại dột hay nông nổi của tuổi trẻ. Tôi đã suy nghĩ về việc nghỉ học từ rất lâu rồi.
Khanh cũng không hỏi lý do tại sao tôi làm vậy, nhưng do áp lực ôn thi nên gần đây Khanh không còn gửi tin nhắn cho tôi nữa. Có lẽ tôi cũng nên bớt làm phiền cậu ấy lại.
Vào một ngày tháng tư nóng nực, Khanh bấm chuông nhà tôi vào lúc sáng sớm, thời gian duy nhất cậu ấy rảnh rỗi.
“Đi đạp xe không?”
Cậu ấy hỏi ngay khi tôi ra mở cửa.
“Đạp xe?”
Khanh gật đầu, “Ừ, đạp xe. Quanh vòng Hồ Gươm nhé, sau đó tớ phải đi học thêm.”
Khanh vừa nói vừa thở gấp. Tôi nhận ra rằng cậu ấy đã dậy rất sớm để chuẩn bị và đạp xe đến nhà tôi, dù nhà chúng tôi cách không xa nhau lắm.
Sáng sớm thường là giờ những con người của sự đúng giờ và khoẻ mạnh. Họ sẽ dậy từ khi mặt trời mắt bắt đầu mở mắt, ăn những bữa sáng lành mạnh và đi tập thể dục quanh nhà như những con ngừoi thực thụ. Một vài lần phải dậy sớm đi học trước đây, tôi đã nhìn thấy họ.
Nhưng nhà tôi không phải là một gia đình quy củ như vậy. Người dậy sớm nhất là anh trai tôi, người phải lên giảng đường ngồi từ sáng và đi chơi đến tối muộn mới về đến nhà để tránh phải giao tiếp với mọi người. Tiếp đó là người bố thường thức dậy sau báo thức một tiếng, rồi đến người mẹ nội trợ sẽ chào đón một ngày mới vào buổi trưa. Họ sẽ khó mà dậy khi chưa đến giờ của họ.
Nhận thấy Khanh đang chờ câu trả lời từ tôi, tôi bèn gật đầu đồng ý. Mặc cho cả đêm qua tôi chưa ngủ, nhưng tôi vẫn không thấy mí mắt mình có dấu hiệu đình công một chút nào. Tôi nhanh chóng chạy vào nhà, thay quần áo một cách chóng vánh, cho vài thứ đồ ăn linh tinh từ tủ lạnh vào trong túi rồi leo lên chiếc xe đạp cũ và to tôi có từ năm lớp một.
Trời hôm ấy vẫn còn khá sớm, một vài phần đường và khung cảnh đã được nhuộm vàng bởi ánh bình minh đang nhẹ nhàng thức giấc. Tôi và Khanh đạp qua Hàm cá mập, rồi Bưu điện Hà nội, nơi những ông bà cụ đang đấm lưng cho nhau một cách chậm chạp nhưng thư giãn. Nếu ông bà tôi còn sống, chắc hẳn họ cũng sẽ tham gia.
“Mát quá.”
Khanh khẽ run đôi môi mình lên khi một cơn gió ngược chiều thổi qua. Tóc cậu ấy bay lên, để lộ vầng trán mà tôi luôn ví nó giống như là nơi đậu của một cái gì đấy rất lớn, Khanh thường cáu tôi vì điều đó. Nhưng hôm nay, nó thật đẹp. Vầng trán ấy đẹp như vậy từ trước ư, hay những đường nét trên khuôn mặt của Khanh đã làm cho vầng trán ấy trông đẹp đến như vậy?
Nhìn cách Khanh cười, lòng tôi cảm thấy yên bình phần nào. Chúng tôi đạp hai vòng hồ, khi mặt trời đã lên hẳn và những chú chim bên hồ đang tắm đẫm màu nắng, tôi và Khanh mới dừng lại. Chúng tôi thở dốc đến vài phút, rồi tôi lấy từ trong túi ra hai hộp milo đã hết lạnh từ sáng, túi tôi ướt đầy nước.
“Này”, tôi đưa hộp milo ra, “Uống lấy sức đi.”
“Cái gì thế?”
Khanh hỏi, tuy tôi thấy cậu ấy đã nhìn chằm chằm vào hộp milo, nhưng cậu ấy vẫn mong tôi trả lời.
“Không nhìn hả… milo… cho cậu đó.”
Tôi quay mặt đi, phần đỏ mặt vì mệt và nóng, phần vì tôi nhận ra khung cảnh này bỗng quen đến ngượng.
Khanh khúc khích rồi cũng cầm hộp sữa lên, chúng tôi uống một hơi hết luôn hộp sữa ấy. Gần bảy giờ sáng, tôi nhìn đồng hồ, tôi và Khanh đạp xe về nhà.
Đó là lần cuối cùng tôi gặp Khanh. Đó cũng là lần duy nhất tôi được trải nghiệm cảm giác đạp xe đạp buổi sớm. Những ngày tháng nằm dài ở nhà sống và thở trong sự cằn nhằn của gia đình khiến tôi khó chịu tột cùng. Mẹ tôi, người đã nói “Mày muốn làm gì thì làm” khi tôi hỏi mẹ về việc nghỉ học, giờ đây luôn chỉ trích tôi là một nỗi thất vọng của gia đình.
Tôi luôn cảm thấy như bà ấy có hai nhân cách, và không nhân cách nào yêu tôi cả. Một bên, bà ấy bỏ rơi tôi, để mặc tôi quyết định cuộc sống, bên còn lại, ra sức đay nghiến và ghét cay ghét đắng tôi. Bà ấy chỉ luôn yêu quý anh trai tôi mà thôi. Cũng đúng thôi, anh ấy tài năng như vậy cơ mà.
Hai năm trước, anh tôi được tuyển thẳng vào Học viện Ngoại giao, làm rạng danh gia đình tôi cho cả phố lúc bấy giờ. Đi đến đâu, mọi người cũng nhìn tôi dưới cái danh ’em trai của Tuấn’. Còn mẹ tôi thì nhìn tôi như một thằng thất bại. Mà đúng là thế thật. Những gì anh làm được, tôi đều không làm được, còn những gì tôi làm được thì anh làm giỏi hơn gấp bội.
Người bố suốt ngày bia rượu và chỉ biết đến văn phòng công ty của tôi là người ít nói chuyện nhất trong nhà. Ông thường trở về nhà vào cuối bữa cơm tối trong tình trạng say mèn và quần áo xộc xệch. Mọi người đã chán việc nói chuyện với ông giống như đứa trẻ chán ghét việc ăn một món suốt nhiều ngày.
Cuối tháng tư năm ấy, tôi đưa ra một quyết định lớn, nhưng không đủ lớn để thay đổi cái cuộc đời thất bại này của tôi. Tôi sẽ đi học lại. Nhưng quyết định ấy bị dập tắt chỉ bằng bài từ thốt ra từ mẹ tôi.
Nhưng tôi sẽ không vì thế mà dừng lại. Dù tôi có nhiều ý kiến về việc sẽ đi làm hoặc học lại, nhưng mẹ tôi đều chỉ kết thúc cuộc nói chuyện bằng: “Loại như mày ai thèm chứ.” Cứ thế, tôi ở nhà một cách vô dụng.
Lúc đó là tháng sáu, thời điểm kì thi tuyển sinh diễn ra. Quá muộn cho một kẻ như tôi có thể học lại từ đầu và quá sớm cho một tên nhóc có thể vào đời. Đó là lúc tôi quyết định mình sẽ kết thúc sớm cuộc đời mình. Tôi dành những tháng hè cuối cùng của cuộc đời mình để nằm suy nghĩ và trốn tránh thực tại. Tôi dùng số tiền tích góp ra để đi mua những thứ giải trí vớ vẩn với suy nghĩ “Ít ra cũng nên làm mình vui trước khi chết”.
Nhanh chóng, cả căn phòng nhỏ của tôi chất đống những đầu đĩa và các quyển truyện tranh cũ mua ở tạp hoá. Tôi dành ngày qua ngày, nằm thu mình trong phòng xem những bộ phim giả tưởng từ băng đĩa đi thuê, đọc những tựa truyện mà tôi còn không thấy hứng thú, tất cả chỉ để tìm kiếm một sự vui vẻ. Nhưng rồi, tôi mai chóng nhận ra, tôi không thể cố tỏ ra là mình vui được, sự cô đơn và tuyệt vọng đã lấn chiếm tôi. Có phải khi cô đơn, con người thường tìm kiếm và thường thức những thứ không có thật, chỉ để níu kéo lấy thứ hạnh phúc giả tạo len lỏi trong những chương truyện, tập phim mà ở đó, những khung cảnh được khắc hoạ còn đẹp hơn thiên đường và hạnh phúc hơn thực tại?
Mùa hè năm ấy, tôi trốn tránh mọi tin nhắn của Khanh, mọi lời gọi của Khanh từ phía bên ngoài cánh cửa, chỉ để chìm đắm trong những mộng tưởng không có thật về một gia đình khác. Tôi nghĩ, để có thể chết một cách thanh thản, thì mình phải cắt đứt mọi liên lạc với những ai mình quen. Vì vậy, tôi ngày càng xa cách mọi người, và thu mình lại trong một căn phòng mười mét vuông suốt ba tháng hè.
Sự cô đơn của tôi không hết, mà nó lại bị làm phiền bởi một người.
Mẹ tôi ném xuống dưới đất một tờ giấy nhập học. Mẹ đã đăng kí cho tôi vào một trường mà những người không thể học Cấp ba sẽ theo học. Kèm theo đó là phiếu đã thu tiền, bằng chứng cho việc tôi phải cố gắng đi học để không tốn tiền của cha mẹ.
Nhưng ý nghĩ về việc sẽ tự sát chưa bao giờ lung lay trong lòng tôi.
Ủng hộ tác giả
Ủng hộ giúp tác giả yên tâm sáng tác bạn nhé!