Lá thư thứ 2: Nên buồn hay nên giận?
Một ngày mới bắt đầu. Như mọi khi, Hân thức dậy vào lúc 5:15, đánh răng rửa mặt và chuẩn bị bữa sáng cho hai người. Có hôm cô đi mua cơm sườn, hôm khác thì chiên trứng ốp la còn hôm nay cô chỉ việc hâm lại thịt kho tối qua và ăn cùng với cơm vừa nấu chín. Trong khi đó mẹ cô ngáp dài ngáp ngắn bước vào phòng vệ sinh. Bà Quyên thay quần áo đi làm và trang điểm xong thì Hân cũng vừa ăn hết bữa sáng.
Mặc lên người bộ áo dài trắng tinh khôi, cô bước vào phòng mình kiểm tra sách vở đã soạn đủ chưa thì chợt trông thấy lá thư vẫn để trên bàn từ tối. Vẫn còn vài dòng Hân chưa đọc. Thế nhưng ngay cả liếc cũng không, cô bực bội thẳng tay vứt lá thư vào thùng rác mini đặt cạnh bàn.
Liền đó Hân thưa mẹ đi học, đeo cặp lên vai và bắt đầu đi bộ đến trường.
Sáng sớm, những hạt sương vẫn còn đọng trên lá phản chiếu ánh sáng dịu nhẹ của ban mai. Cơn mưa đêm qua đã gột rửa sạch sẽ hết thảy. Cả bầu trời, cả mặt đất, cả cây cối bên đường.
Trường học lúc này thưa vắng người, khiến sân trường vốn rộng lớn càng thênh thang thêm. Hân mau chóng đến lớp học – nơi cô chủ nhiệm đã hẹn, cúi chào một cách lễ phép và đặt cặp vào chỗ của mình. Rồi hai cô trò cùng hướng đến thư viện.
Trong không gian tĩnh lặng có thể nghe rõ mồn một tiếng giày lộp cộp trên từng bậc thang. Hân vốn thích đọc sách. Tuy nhiên vì thư viện ở tầng trên cùng lại quá xa khu lớp học nên cô ít khi ghé tới.
Thư viện không lớn cũng không nhỏ; dẫu vậy vẫn mang đến cảm giác thoáng đãng nhờ cách bố trí các dãy sách gọn gàng, hợp lý.
Vì hiểu Hân không thể giao tiếp với các bạn học nên cô chủ nhiệm đã sắp xếp cho cô đến thư viện giúp việc, hy vọng cô đỡ buồn chán khi đến lớp. Sau khi cô chủ nhiệm dặn dò Hân về cách dọn dẹp, sắp xếp và rằng nếu muốn mượn sách thì chỉ cần điền đầy đủ thông tin theo mẫu vào cuốn sổ trên bàn thủ thư cũng như nhớ trả đúng hạn thì lập tức rời khỏi. Cô thủ thư chưa đến; Hân chỉ có một mình. Vậy mà cô không những không thấy buồn hay đơn độc, ngược lại còn khá thích thú. Sách ở thư viện đa số là của học sinh quyên góp; có rất ít truyện tranh và nhiều nhất là sách tham khảo, nâng cao; có cả những cuốn sách về các nền văn minh đã mất và các hiện tượng bí ẩn trên thế giới.
Hân cứ thong dong làm từng việc một cách tỉ mỉ; xong rồi thì ngắm nghía lại các giá sách một lượt và chọn lấy một cuốn về đọc. Đó là cuốn sách bán chạy chỉ sau kinh thánh. Cô vẫn hay đọc được những luồng ý kiến trái chiều về tác phẩm tiểu biểu này của Paulo Coelho nhưng chưa có cơ hội đọc qua, đây là dịp để cô có nhận định của riêng mình cho “Nhà giả kim”.
Tan học, Hân ngán ngẩm nhìn rèm mưa rơi. Vừa nãy thôi mưa còn tí tách mà giờ đã như thác đổ. Cô không chỉ không mang dù hay áo mưa mà còn đãng trí đến nỗi không mang cả áo khoác. Nếu muốn, cô có thể đợi bớt mưa rồi chạy nhanh về nhà. Nhưng với bộ áo dài trắng trên người thế này, điều đó trở thành bất khả thi. Chỉ còn cách đợi mưa tạnh mà thôi.
Hân không thích mưa. Vì mưa khiến mặt đường lầy lội, đọng nước, nếu mang giày sandal sẽ bị nước mưa lẫn cát đất văng lên bàn chân, len hết vào kẽ ngón gây khó chịu khi bước đi. Vì mưa khiến quần áo mới giặt không có chỗ phơi, để lại mùi âm ẩm suốt nhiều ngày, cả những khi không kịp lấy quần áo vào, một trận mưa sẽ làm quá trình giặt phơi thành công cốc. Và hơn hết, ba cô đã mất vào một ngày mưa tầm tã.
Hân còn đang nghĩ ngợi vẩn vơ thì đột nhiên có một giọng nói êm tai thỏ thẻ cất lên:
“Bà có muốn đi chung dù với tui không?”
Quá sức ngạc nhiên, Hân quay sang tìm kiếm chủ nhân của giọng nói ấy. Là một bạn nữ cùng lớp. Cô vô cùng bối rối không biết phải trả lời sao cho phải. Cũng đâu thân gì nhau, thậm chí chưa từng trò chuyện, đi chung dù có kì lắm không.
Mưa bắt đầu bớt nặng hạt. Cô liền xắn hai ống quần, nhét hai tà áo vào lưng quần rồi ôm cặp trước ngực lao đi trong mưa, để lại cô bạn xấu hổ trong tiếng cười khúc khích của những người chứng kiến.
Khi ngôi nhà đã trong tầm mắt, Hân thấy mẹ đang mặc áo mưa mở cửa. Mẹ cô lo lắng hỏi: “Sao con không mang theo dù?” nhưng cô chỉ vắt áo quần cho hết nước rồi chạy vội vào nhà thay đồ. Thay xong thì cô nghe thấy tiếng mẹ gọi ra phòng khách.
Trên bàn, có một cái bánh kem và một món quà được gói đơn giản. Bà Quyên nói: “Mẹ xin lỗi vì hôm qua quên sinh nhật của con. Nè mau qua đây ước một điều đi!”
Ngày 3 tháng 12, bà Quyên chỉ chăm chăm nhớ đó là ngày sáu năm trước chồng mình qua đời. Bà còn quyết hôm đó vùi đầu vào công việc để quên đi buồn phiền, “tham công tiếc việc” đến mức tăng ca giúp người khác. Cho đến giờ nghỉ sáng nay bà mới ngờ ngợ mình đã quên một điều quan trọng. Đúng là quan trọng, sinh nhật con gái bà đã qua mà một lời chúc bà cũng chưa nói với con.
Lần đầu bà phải gói quà gấp rút trong giờ nghỉ, phải lội mưa gió để mua bánh kem và không ngừng trách bản thân là một người mẹ tồi tệ.
Nhìn mẹ hối lỗi ngồi bên bàn, không hiểu sao Hân thấy vui vui. Cô cầu mong cho mẹ luôn mạnh khoẻ rồi thổi tắt cái nến hình số 16. Sau đó thì nhắn tin gửi đi: “Con cảm ơn mẹ. Nhưng đối với con sinh nhật cũng như bao ngày khác thôi nên mẹ không cần cảm thấy có lỗi đâu. Tuy nhiên, năm sau mẹ lại tự tay gói quà tặng con nhé!”
Hiếm khi cô con gái chịu nhắn mấy câu tình cảm thay vì những câu ngắn gọn, có phần khách sáo, bà Quyên mỉm cười đầy mãn nguyện. Mối day dứt trong lòng cũng nguôi ngoai.
Chiều tối, mẹ rủ Hân cùng đi siêu thị mua sắm. Cô biết mẹ muốn đền bù cho ngày hôm qua. Trông thấy mẹ thoải mái, vui vẻ Hân cũng vui lây. Hai mẹ con vòng quanh siêu thị, mua biết bao nhiêu thứ, nào là sữa tươi, dầu gội, bột giặt,… và rất nhiều hộp bánh kẹo các loại. Lâu rồi họ mới mua sắm thỏa thê như thế, nét mặt tươi rói như vừa quay vào ô trúng thưởng.
Hào hứng là vậy, tự dưng Hân không cười nữa, ánh mắt dừng tại một bóng hình quen thuộc thấp thoáng chỗ quầy thanh toán. Mất vài giây để cô nhận ra người đó, tên con trai trong số những kẻ thường xuyên trêu chọc, ăn hiếp cô năm cuối tiểu học. Gương mặt không thay đổi nhiều, vẫn đáng ghét như xưa. Dường như đằng đó cũng nhận ra cô. Khác với thái độ dành cho “người bạn cũ”, Hân chỉ đảo mắt sang hướng khác, vờ như không biết. Tên con trai cũng chẳng để tâm, quay lại trò chuyện với đám bạn.
Bỗng mẹ cô kêu lên như sực nhớ điều gì rồi quay lại gian hàng đông lạnh, Hân tức thì đi theo đằng sau.
Cứ như trò đùa của vận mệnh. Thật không ngờ lại gặp được ở chỗ này, phía đối điện bà nội và hai người cô của Hân đang đi tới. Quả nhiên không ngoài dự đoán, bà nội lập tức lớn tiếng giận dữ: “Chẳng phải đã nói không muốn nhìn thấy hai người sao!? Đúng là đồ sao chổi! Đã sinh ra đứa con khắc chết ba nó thì tránh xa nhà này ra”.
Mọi người đều ngoái lại nhìn, bà nội Hân vẫn ra sức mắng chửi mặc cho hai cô ra sức can ngăn: “Đừng tưởng tôi không biết hai người lén lút viếng giỗ thằng Bảo mấy hôm trước. Còn dám vác mặt đến nghĩa trang, đúng là mặt dày!”
Hân cảm thấy người mẹ mình run lên. Chẳng lẽ lại tiếp tục chịu đựng những lời sỉ vả của bà như ngày nhỏ ư!? Không được, cô giờ đã 16 tuổi, sẽ không để bà nội tổn thương hai mẹ con cô nữa. Hân đặt giỏ hàng xuống, ngẩng mặt lên đồng thời kéo tay mẹ và quay đầu chạy. Hai người đã lướt qua không biết bao nhiêu người trong siêu thị. Mãi đến khi ra khỏi cổng, Hân mới dừng bước chân.
Phản ứng mạnh mẽ của cô khiến mẹ hết sức kinh ngạc. Nhưng rồi bà chỉ khẽ ôm con vào lòng, liên tục nói: “Không sao. Ổn rồi, ổn cả rồi” và đợi cho sống mũi cả hai không còn cay.
Chỉ trong một buổi tối đã có hai cuộc chạm mặt xui xẻo, liệu còn gì tệ hơn được nữa không!?
Gió tháng mười hai lạnh buốt, xoáy sâu vào tâm can Hân.
Ủng hộ tác giả
Ủng hộ giúp tác giả yên tâm sáng tác bạn nhé!