Lá thư thứ 1: Cẩm tú cầu
Chiều buông xuống khắp thành phố, bao phủ mọi con đường lớn đến những con ngõ nhỏ. Trên cao, bầu trời như bừng sáng và những đám mây ánh hồng, tím, xanh cuồn cuộn xếp chồng lên nhau. Cái nắng nóng của buổi trưa oi ả đã tan biến hết, nhường chỗ cho luồng không khí mát lành, dễ chịu.
Gió đìu hiu thổi làm tóc mái của Hân khẽ bay bay. Trong thời khắc ấy, Hân bất giác ngước nhìn vòm trời, bỗng một thoáng mơ hồ ập đến khiến lòng cô bâng khuâng những cảm xúc rất lạ; cô không muốn về nhà.
Hôm nay đến phiên bàn Hân trực nhật. Hoàn tất việc trực, cô nán lại thật lâu đợi cho đến khi bạn cùng bàn và tất cả học sinh về hết nhưng chẳng vì điều gì cả.
Lững thững ra về, Hân đi mỗi bước một nhanh mà nặng nề. Phố xá đã lên đèn nhưng đôi mắt cô chỉ độc một màu đen, không chút tia sáng phản chiếu trong đó.
Về đến nhà, Hân nhận được tin nhắn từ mẹ. “Hôm nay mẹ phải tăng ca, con ăn trước đi nhé”, vừa cầm điện thoại đọc cô vừa dùng bàn tay còn lại mở cửa, bật đèn. Vẫn mặc nguyên bộ đồng phục thể dục trên người, Hân “xắn tay” bắc nồi cơm, sau đó kho 500 gam thịt heo mà mẹ cô – bà Quyên mua từ trưa đã được rã đông. Hương thơm toả ra từ chiếc chảo cũ quen thuộc khiến bụng cô kêu ọc ọc, đây là một trong những món ăn sở trường và yêu thích của cô.
Ngồi trong căn bếp hiu quạnh vẫn còn hơi nóng, Hân dùng đũa gắp một miếng thịt trong cái đĩa nhỏ bỏ vào miệng và thầm khen bản thân đã lên tay nấu nướng.
Tắm rửa xong xuôi, cô bước vô phòng và ngồi vào bàn học.
Trên bàn, có một hộp thư cũ kĩ, sờn màu. Đó là món quà bà cụ thu mua ve chai hôm trước đã tặng cô khi thấy cô trên đường đi học về. Khi ấy, bà đã nói: “Cháu không chịu nói chuyện gì cả nhưng chắc vẫn viết tay, đánh máy nhỉ? Cho cháu đó, dùng để lưu giữ thư từ, tài liệu gì cũng được. Không được quăng lung tung hay cho ai khác đâu à!” Bị bắt nhận như vậy cô hiểu bà cũng chỉ có ý tốt nên bèn cẩn thận đỡ bằng hai tay rồi e dè lấy ra cây bút trong cặp viết vào lòng bàn tay câu: “Cháu cảm ơn!” rồi chìa về phía bà.
Đặt sách vở lên bàn, Hân liếc nhìn hộp thư liền nhận ra điểm khác thường, nơi nhét thư vào có một phong bì bị lộ ra ngoài như cố tình để cô nhìn thấy. Tò mò xem thử, Hân biết được đó là thư tay nhưng không phải từ mẹ vì nét chữ rất khác. Lá thư đã luôn nằm trong hộp hay vừa mới được gửi tới hôm nay? Nhưng rõ ràng buổi trưa khi Hân đến trường học phụ đạo thì mẹ cũng bắt đầu đi làm. Gần như cả ngày không có ai ở nhà, làm sao người đó đưa thư được. Chẳng lẽ lẻn vào nhà sao, bị người khác nhìn thấy thì khác gì ăn trộm!? Nghĩ mãi cũng không đoán ra được, Hân đành đọc để tìm hiểu.
Theo như trong thư, người gửi là một cô gái 22 tuổi, hiện đang tham gia một chương trình có tên là “forget-me-not”. Đó là lý do bức thư đến tay Hân; “nhiệm vụ” chính của chương trình là viết thư cho người có cùng sinh nhật đang gặp vấn đề trong cuộc sống.
Hân không hiểu lắm nhưng vẫn kiên trì đọc. Đọc một hồi mới thấy… kì gì đâu! Chị gái nọ chỉ toàn kể khổ về bản thân, cứ như Hân mới là người giúp chị ấy bộc bạch những khổ tâm giấu kín trong lòng.
“[…] Chị ấy nhé, toàn gặp chuyện xui xẻo thôi. Nào là đang tung tăng dạo phố thì giẫm phải phân chó, uống coca cola thì tự dưng mắc ho làm nước trào hết ra đường mũi. Suốt thời gian đi học thì chẳng có mấy người bạn, toàn bị người ta xì xầm to nhỏ sau lưng. Chuyện gia đình… cũng lắm rắc rối! Chị đã lớn lên như một đứa lập dị, đến tận bây giờ vẫn thường xuyên nhận được mấy lời như: “Thật không giống ai!”, “Bỏ cái thói đó đi, vô tích sự”.
Nhưng em biết không, chị không để bụng đâu. Chị vui vì là chính mình, chị thích thế nào thì làm như thế ấy, hoàn toàn vô tư. À nhưng không phải vô tâm hay vô cảm à nghen. Nếu là lời khuyên hữu ích, thật tâm thì chị sẽ nghe.
Vì vậy chị muốn nói là em hãy mở lòng mình ra. Đừng vì ai đó mà thu mình cũng đừng sợ sẽ tổn thương họ. Nói ra sẽ giúp ích nhiều hơn đó”.
Đến đây, Hân phì cười. “Gì vậy nè, bà chị kì quặc này là sao vậy!?”, cô nghĩ. Nhưng cũng chỉ cười vài giây ngắn ngủi.
“Hay là từ nay chúng ta kết bạn nhé!”. Dòng chữ rất bình thường thế mà tác động của nó lên Hân mới thật khác lạ.
Gương mặt cô cứng đờ, nụ cười méo xệch, đôi mắt sẫm lại. Bên tai Hân ù ù những tiếng nói năm xưa từ kẻ từng muốn làm bạn với cô: “Phải đó, bà ngưng làm bộ đi được không!?”… “Thấy gớm quá đi, giả tạo như vậy thì đi đứng đừng có đụng vào người khác”. Từng mảnh kí ức đan xem đầy ám ảnh. Hân muốn bịt chặt tai và nhắm nghiền mắt nhưng lại sợ nhắm lại rồi hình ảnh càng hiện rõ ràng hơn.
Đã có lúc Hân hướng mắt về phía bàn thứ ba kề cửa sổ cầu cứu nhưng chỉ nhận được cái ngoảnh mặt làm ngơ. Là bạn kia mà, sao không giúp chứ. Hân thấy nhịp thở trở nên gấp gáp, lồng ngực thắt lại. Không muốn nhớ. Đừng ùa về, đám ký ức đáng ghét! Co rúm người lại, mặt cô nhăn nhó đầy tức tối.
Đúng lúc đó “két”, có tiếng của mở. Là mẹ về. Những ký ức ban nãy vỡ ra, rơi loảng xoảng trên mặt sàn, sắc nhọn như thể sẵn sàng cứa vào tim Hân lần nữa.
Ngoài phòng khách, bà Quyên toàn thân rã rời bước xềnh xệch về chỗ ghế sofa và ngả lưng lên ngay sau đấy. Nhìn thấy con gái bưng ly nước ra mời mình thay cho lời chào mẹ đã về, đôi chân mày đang nhíu lại từ từ dãn ra, bao mệt mỏi trên nét mặt bay biến đâu hết. Không đợi mẹ uống hết giọt nước cuối đáy ly, Hân gõ lạch cạch thật nhanh trong điện thoại. Bằng tin nhắn, cô nhắc mẹ hâm đồ ăn trước khi ăn, không là lại bị đau bao tử. Còn cô sẽ đi ngủ trước, mai phải đi học sớm vì có vài việc cô chủ nhiệm nhờ. Bà Quyên chưa kịp hỏi gì thêm Hân đã bỏ đi đánh răng rồi tiến về phòng ngủ.
Thẫn thờ, bà dán mắt vào một điểm trên tường đối diện. Tiếng mưa lùa từ xa vọng đến, chẳng mấy chốc mà ào ào, mưa tuôn xối xả như ai dội nước trên mái nhà. Mấy chậu hoa cẩm tú cầu nhà hàng xóm có dịp tắm mát, rung lắc trong mưa gió.
Vô cảm, thờ ơ và lạnh lùng là một trong những ý nghĩa biểu trưng của “tri kỷ của những cơn mưa”. Tin chắc rằng cả hai mẹ con đều muốn trao tặng nhau đóa hoa xanh lam này như lời xin lỗi vào một ngày không xa.
Ủng hộ tác giả
Ủng hộ giúp tác giả yên tâm sáng tác bạn nhé!